CÁC BỆNH DA LIỄU THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM
Bệnh da ở trẻ em khá thường gặp, do tình trạng da chưa được trưởng thành như ở người lớn, gây khá nhiều phiền toái cho cả mẹ và bé. Do vậy, người lớn cần coi trọng và hiểu biết một số tình trạng về da, cũng như biết cách dự phòng để bảo vệ làn da cho bé.
Bài viết sau hy vọng phần nào giúp ích các bà mẹ nuôi con có nhiều thông tin hơn trong việc chăm sóc da cho trẻ.
1. BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
– Đây là bệnh khá thường gặp ở trẻ em và có biểu hiện ngoài da. Thường khởi phát bằng đầu bằng biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau miệng, chảy nước miếng, biếng ăn,… Vài ngày sau xuất hiện mụn nước ở tay chân và mông. Bệnh thường lây qua đường hô hấp (ho, hắc hơi) hay đường tiếp xúc (đồ chơi, tả lót).
– Vì vậy các phụ huynh cần vệ sinh đồ chơi, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên nhé.
2. BỆNH VIÊM DA TIẾP XÚC
– Da của trẻ em thường dễ mẫn cảm hơn người lớn. Nên khi tiêp xúc một số loại thực phẩm, xà bông, thực vật (thường xuân), côn trùng (kiến ba khoang) dễ gây viêm da nặng hơn người lớn. Ban thường bắt đầu trong vòng 48h sau khi tiếp xúc với da. Các trường hợp nhẹ gây đỏ da và phát ban dạng như nổi da gà, màu đỏ. Trường hợp nặng hơn có thể gây sưng nề, nổi mụn nước hoặc mụn mủ
– Tránh tiếp xúc trở lại và vệ sinh bằng nước muối sinh lý, có thể thoa một số thuốc có corticoid nhẹ để cải thiện triệu chứng. Trong trường hợp nặng nên đi khám bác sĩ da liễu để trẻ được điều trị.
3. BỆNH RÔM SẨY
– Bệnh hay gặp ở trẻ do tắc ống tuyến mồ hôi (do tuyến mồ hôi trẻ chưa hoàn chỉnh). Biểu hiện thường là các mụn nhỏ màu hồng đỏ, xuất hiện ở những vùng hay ra mồ hôi như đầu, cổ, vai và lưng. Bệnh hay gặp trong mùa nóng hoặc bố mẹ cho bé mặc đồ quá nhiều gây nóng cho trẻ.
– Do vậy, chỉ nên cho trẻ mặc nhiều hơn bạn một lớp quần áo để tránh ứ nhiệt cho trẻ. Ngủ phòng thoáng mát, nới lỏng quần áo và chăm sóc da phù hợp giúp hạn chế tình trạng này.
4. BỆNH CHÀM SỮA
– Trẻ hay bị nổi mảng đỏ ở 2 gò má trong thời kỳ bú mẹ, có thể kèm hen suyễn hoặc tình trạng dị ứng khác. Nguyên nhân do liên quan đến hệ miễn dịch nhạy cảm quá mức của trẻ. Thường da trẻ sẽ khô, nổi ban đỏ có vẩy bong tróc và gây ngứa nhiều. Chàm sữa là một dạng phố biển của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ.
– Điều trị thường thoa dưỡng ẩm hoặc corticoid nhóm nhẹ. Bệnh có thể tiến triển nhanh ở một số trẻ, hoặc sẽ cải thiện khi trẻ lớn hơn.
5. BỆNH THỦY ĐẬU
– Đây từng là bệnh khá phổ biến tuy nhiên đã giảm nhiều nhờ việc trẻ được chủng ngừa thủy đậu. Đây là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp (ho, hắc hơi). Trẻ cũng có biểu hiện sốt, viêm họng trước đó, sau đó hình thành các ban ngứa và đốm đỏ phòng giộp từ mặt lan xuống ngực và khắp cơ thể. Các mụn nước này thường tiến triển từ mụn nước trong, vỡ, khô và đóng vẩy. Bệnh thủy đậu có thể rất nghiêm trọng nếu gây biến chứng viêm phổi và viêm não.
– Việc phòng ngừa rất dễ dàng nếu trẻ nhận một liều vaccine thủy đậu trước đó, điều này giúp trẻ lớn lên không bị mắc bệnh.
6. BỆNH NẤM DA
– Bệnh do vi nấm ngoài da gây nên. Vi nấm này thường ưa thích môi trường ẩm ướt, ăn các tế bào sừng ở da để phát triển. Ban đầu bệnh biểu hiện là những mảng hoặc sẩn đỏ, sau đó lan rộng ra xung quanh tạo hình vòng nhẫn, đỏ và gây ngứa nhiều. Một số trường hợp có thể phồng rộp, đóng viền vẩy và lan ra những vị trí lân cận (tổn thương vệ tinh). Bệnh lây qua việc tiếp xúc trực tiếp da với da hoặc qua động vật (chó, mèo).
– Việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc người bệnh hoặc động vật nhiễm nấm giúp phòng ngừa tình trạng bệnh này.
7. BỆNH MỀ ĐAY
– Biểu hiện là những ban sẩn, phù nề, màu đỏ một vị trí hay cả toàn vùng cơ thể. Nhiều yếu tố có thể gây kích hoạt ban sẩn phù này, như việc dùng thuốc aspirin (hạ sốt) và penicillin (kháng sinh). Một số thức ăn cũng có thể gây nổi mề đay như trứng, các loại hạt, hải sản, phụ gia thực phẩm,…
– Điều kiện thời tiết thay đổi như nóng lạnh đột ngột hay viêm họng do liên cầu khuẩn trước đó cũng gây ra nổi mề đay. Bệnh thường có thể diễn tiến nhanh nhưng mất nhanh sau vài giờ. Thuốc uống kháng histamine giúp tình trạng bệnh cải thiện nhanh hơn. Một số biểu hiện nghiêm trọng của mày đay như khó thở, tím tái, phù mặt,… cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức để tránh biến chứng nghiêm trọng suy hô hấp cho trẻ.
8. BỆNH CHỐC LỞ
– Bệnh chốc lở hay còn gọi là ghẻ phỏng thường có biểu hiện là các tổn thương mụn nước. Chúng vỡ ra gây chảy nước, đóng lớp vảy mài màu vàng nâu như mật ong và tạo vết loét. Bệnh này do vi khuẩn ngoài da gây ra và có thể gặp ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến ở quanh miệng và mũi. Bệnh lây qua đường tiếp xúc, nhất là nhưng trẻ chơi chung với nhau (nhà trẻ) thông qua đồ chơi, da và da. Việc cào gãi có thể gây lây lan chốc tới các vùng da lành khác.
– Điều trị thường dùng thuốc kháng sinh thoa hoặc uống. Việc rửa tay với xà bông, vệ sinh đồ chơi giúp hạn chế lây lan bệnh này.