Chớ coi thường bệnh ngoài da

Không ít người thường nghĩ rằng, bệnh da không nguy hiểm, chỉ bệnh nội ngoại khoa, truyền nhiễm mới đáng quan tâm vì tỷ lệ cấp cứu, tử vong cao hơn nhiều.

Thật ra, da là một cơ quan có cấu trúc tinh vi phức tạp gồm nhiều lớp, nhiều loại tế bào, tổ chức có nhiệm vụ khác nhau, với một màng lưới thần kinh, mạch máu, bạch huyết dày đặc, gắn liền da với toàn bộ cơ thể bên trong. Da đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng, mật thiết liên quan tới sự tồn tại và phát triển của cơ thể, chỉ đơn cử một số như: chức năng bảo vệ (khỏi các tác nhân độc hại cho cơ thể như chấn thương, hóa chất, tia xạ, vi sinh vật gây bệnh…), cảm giác, điều hòa, nhiệt độ, hô hấp, thải độc, chuyển hóa, dự trữ, miễn dịch, v.v.

Qua màng lưới thần kinh, mao mạch, bạch huyết dày đặc ở hạ bì (phần sâu nhất của da), da có liên hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng, nội tiết, thần kinh miễn dịch của toàn bộ cơ thể. Chẳng hạn, các biến đổi, tổn thương nội tạng được phản ánh rất sớm trên da: bệnh gan gây vàng da, vàng mắt, lao thận gây sạm da và niêm mạc, táo bón, giun sán gây sẩn ngứa, tăng đường huyết làm nổi nhiều đinh nhọt, thiếu vitamin A làm da khô, nứt nẻ v.v.

Ngược lại những bệnh da sớm muộn, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Ví dụ: bệnh viêm da mủ, ghẻ, ec-ze-ma nhiễm khuẩn có thể tiến triển gây viêm cầu thận cấp, nhiễm khuẩn máu, dẫn tới tử vong. Các bệnh ngứa mạn tính như sẩn ngứa, mày đay, viêm da thần kinh lâu ngày mất ngủ, dẫn tới suy nhược nhần kinh, giảm sút sức khỏe, năng suất lao động,  học tập.

Muốn bảo đảm sức khỏe toàn thân không thể không chú ý đến vệ sinh phòng bệnh da, vì da và nội tạng là một  thể thống nhất. Ngoài ra muốn đánh giá đầy đủ tác hại của bệnh da liễu phải phân tích nhiều mặt.

Về mặt thể chất, phần lớn bệnh da liễu đều gây khó chịu, ngứa, đau, lở loét. Bệnh càng nặng càng lâu ngày ảnh hưởng càng lớn đến học tập, lao động, tuy tỷ lệ cấp cứu tử vong của bệnh da liễu thấp hơn so với một số chuyên khoa khác, nhưng vẫn có một số bệnh như nhiễm độc dị ứng, đỏ da, viêm đa khớp, viêm da mủ có biến chứng, vẩy nến, lupus, pem-phi-gút, phong thể nhiều vi khuẩn, giang mai trẻ em nặng, có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế suốt đời.

Ðã có trường hợp vẩy nến đỏ da  biến chứng khớp, xơ cứng bì tiến triển toàn thân phải nằm bất động từ 5-12 năm trước khi qua đời. Những bệnh nhân phong cùi cụt, tay chân khoèo, mặt mũi biến dạng là những nạn nhân bất hạnh cần được mọi người quan tâm.

Có những bệnh tuy không gây ảnh hưởng gì về thể chất, nhưng lại tác hại sâu sắc đến tâm lý, tình cảm, giao tiếp trong gia  đình, xã hội. Thanh niên nam nữ bị trứng cá, rám má, bạch biến, trụi tóc, vết bớt bẩm sinh ở mặt… thường mặc cảm, tự ti. Bệnh hoa liễu (bệnh lây qua tình dục) đã làm tan nát hạnh phúc không ít gia đình.

Bệnh da liễu khá phổ biến, chiếm 10-20% trong tổng số cơ cấu bệnh ở nước ta. Phần lớn tiến triển mạn tính, hay tái phát, nhiều bệnh phải dùng tới thuốc đặc hiệu đắt tiền… gây tốn kém.  Hơn nữa bệnh da nghề nghiệp, bệnh phong, hoa liễu đang là những bệnh xã hội bức xúc.

Bệnh da nghề nghiệp làm giảm năng suất lao động, trở ngại cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bệnh phong, giang mai để lại hậu quả xấu cho nòi giống, chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Rõ ràng, muốn bảo đảm sức khỏe chung không thể xem thường bệnh ngoài da. Cũng như đối với các bệnh khác, bệnh da liễu cần được phát hiện điều trị sớm và đúng phương pháp, không nên chỉ nghe lời mách bảo hoặc tham khảo báo chí mà tự  động dùng thuốc không thích hợp gây tai biến.

 

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *